Ngày 7 tháng 4 hằng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn làm Ngày Sức Khỏe Thế Giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề sức khỏe toàn cầu. Đây là dịp để các quốc gia cùng nhìn lại những thách thức trong lĩnh vực y tế và đề xuất các giải pháp để cải thiện sức khỏe cho mọi người. Chủ đề của Ngày Sức Khỏe Thế Giới mỗi năm được WHO lựa chọn dựa trên các vấn đề cấp bách, từ bảo vệ môi trường, chống lại các bệnh truyền nhiễm đến chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Ngày 07/04 hàng năm là ngày được tôn vinh, chia sẻ kiến thức về chăm sóc sức khỏe
Ngày Sức Khỏe Thế Giới không chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng mà còn là cơ hội để chính phủ, tổ chức y tế và cộng đồng cùng hành động vì sức khỏe. Sự kiện này có vai trò quan trọng trong:
Nâng cao nhận thức về các vấn đề y tế toàn cầu: Mỗi năm, WHO đưa ra một chủ đề để tập trung giải quyết các vấn đề y tế nổi cộm, như tiểu đường (2016), trầm cảm (2017), bảo hiểm y tế toàn dân (2019) hay xây dựng một thế giới công bằng, lành mạnh (2021).

Hưởng ứng ngày sức khỏe thế giới nhiều đơn vị cũng chia sẻ thông tin về sự kiện
Thúc đẩy hành động vì sức khỏe cộng đồng: Các chương trình y tế, hội nghị và chiến dịch truyền thông được tổ chức trên toàn thế giới nhằm nâng cao ý thức của mọi người về việc chăm sóc sức khỏe.
Tạo động lực cho các chính sách y tế: Ngày Sức Khỏe Thế Giới cũng là dịp để chính phủ các nước nhìn lại hệ thống y tế của mình và có những điều chỉnh phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh chóng. Nguyên nhân chính đến từ lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường và căng thẳng kéo dài.
Theo WHO, các bệnh không lây nhiễm gây ra khoảng 71% số ca tử vong trên toàn cầu. Để giảm thiểu tình trạng này, các chuyên gia y tế khuyến nghị mọi người nên duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học và kiểm soát căng thẳng.
Mặc dù y học hiện đại đã giúp kiểm soát nhiều bệnh truyền nhiễm như lao, sốt rét hay HIV/AIDS, nhưng sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã cho thấy thế giới vẫn dễ tổn thương trước các dịch bệnh mới. Biến đổi khí hậu và sự di cư của con người cũng góp phần làm lây lan nhanh hơn các dịch bệnh nguy hiểm.
Để đối phó với mối đe dọa này, việc tăng cường tiêm chủng, cải thiện điều kiện vệ sinh và nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh các vấn đề về thể chất, sức khỏe tâm thần cũng là một mối quan ngại lớn. Trầm cảm, lo âu và căng thẳng ngày càng phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh áp lực cuộc sống và công việc gia tăng. WHO ước tính rằng đến năm 2030, trầm cảm sẽ là nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật lớn nhất trên toàn cầu.
Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được xem là một phần quan trọng của hệ thống y tế, thay vì chỉ tập trung vào điều trị bệnh lý thể chất. Các chiến dịch nâng cao nhận thức, hỗ trợ tâm lý và giảm kỳ thị đối với người mắc bệnh tâm thần là những giải pháp cần thiết.
PV: Minh An