
(Họa sĩ Phan Hải Bằng – Ảnh: NVCC)
Phóng viên: Thưa họa sĩ, nói về giấy, nhiều nước ở châu Á đều có những loại giấy thủ công rất nổi tiếng như giấy Xuyến Chỉ của người Nạp Tây ở Vân Nam, giấy Sa ở Lào, Thái; giấy Dó ở Việt Nam… Sự ra đời của Trúc Chỉ mang nét độc đáo gì mà họa sĩ tâm đắc?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Trước hết, thiết nghĩ cần minh định khái niệm Trúc Chỉ. Ví như Trung Quốc có Xuyến; Nhật bản có Hòa chỉ (washi), Hàn quốc có Hàn chỉ (hanji)… đó là các tên gọi để chỉ một sản vật quốc gia của họ. Giấy đó được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Do đó tên gọi trên không nhằm chỉ một loại nguyên liệu nào. Trong khi đó, ở một số nước, tên gọi của giấy thủ công truyền thống lại chỉ đích danh tên của loại nguyên liệu làm ra nó: ở Thái lan, Lào: giấy Sa được làm từ vỏ cây Sá (cây dâu giấy), ở Việt nam: giấy Dó được làm từ vỏ cây Dó, giấy Giang là từ cây giang… Điều này mang lại một sự “mặc định” trong tư duy của đại đa số người Việt mình, rằng hễ giấy thủ công thì mặc nhiên là giấy Dó, ngay cả ở các họa sĩ. Ví dụ như các họa sĩ vẫn hay gọi giấy Sa của là là giấy “Dó Lào”! Và cũng là một quan niệm khó đổi của gần như tuyệt đại đa số: Giấy mặc nhiên đóng vai trò làm nền cho các thao tác sáng tạo khác: in ấn, vẽ, viết…lên trên nó. Lúc đó, tấm giấy mới có thể mang thông điệp thẩm mỹ, và có cơ may trở thành một tác phẩm. Với concept chủ đạo: mang lại cho “giấy” thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm “nền”, để trở nên một tác phẩm tự thân, độc lập; Trúc Chỉ được xây dựng để trở thành một giá trị mới, chứ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một loại giấy hay nguyên liệu mới. Mặt khác, ở nhiều nước, nhất là ở Việt nam, khái niệm Nghệ thuật giấy (paper art) hầu như chưa được thừa nhận. Nghề làm giấy cũng chỉ được coi là một nghề thủ công, chứ chưa bao giờ được coi là một nghệ thuật. Trúc Chỉ ra đời nhằm góp phần xác quyết khái niệm Nghệ thuật giấy – Nghệ sỹ giấy và xây dựng môi trường Nghệ thuật giấy- giấy nghệ thuật ở Việt nam. Về tên gọi Trúc Chỉ: được nhà văn, dịch giả Bửu Ý định danh vào tháng 4 năm 2012; với ý nghĩa: hình ảnh Tre, Trúc là biểu tượng của Văn hóa và tinh thần Việt. Theo đó, Trúc Chỉ là khái niệm để chỉ nghệ thuật giấy – giấy nghệ thuật mới của Việt Nam, chứ hoàn toàn không phải để chỉ loại nguyên liệu cụ thể.
Phóng viên: Với họa sĩ, giấy Trúc Chỉ có vai trò thế nào trong sáng tạo nghệ thuật?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Với Trúc Chỉ, ngoài các yếu tố của nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật thị giác nói chung, ngôn ngữ biểu đạt của các loại nguyên liệu xơ sợi, bột giấy… góp phần làm nên vẻ đẹp riêng mà các nghệ thuật khác không có được. Với việc khai thác rất nhiều các nguyên liệu xơ sợi từ thiên nhiên: rơm, bèo, mía, chuối, tre, lá, cỏ, dứa, dó, dướng, bắp… với cách xử lý nguyên liệu theo quy trình truyền thống, ứng biến với nhu cầu của nghệ sĩ, Trúc Chỉ đã xây dựng được khái niệm “bảng hòa xơ sợi” (palette of fiber) tương ứng với “bảng hòa màu” (palette of color) của hội họa. Điều này nghĩa là Trúc Chỉ đã có thể là một thành tố tham gia trực tiếp vào quá trình hình thành tác phẩm chứ không chỉ còn dừng lại ở vai trò làm nền nữa. Đến thời điểm hiện tại có ít nhất 3 khả năng của Trúc Chỉ trong thực hành nghệ thuật. Thứ nhất là khả năng “Giấy – Nền”, như mọi sự khởi đầu, Trúc Chỉ cũng có khả năng tạo nên những tấm giấy – nền đúng nghĩa. Tuy nhiên, Trúc Chỉ có khả năng cá nhân hóa, độc đáo hóa ngay cả những tấm giấy nền cho các yêu cầu cho dù “oái oăm” nhất của nghệ sĩ về đặc tính của giấy, xơ sợi, về định lượng, định tính, định hình cũng như mục đích sử dụng cụ thể cho các đồ án, tác phẩm để có thể đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Đặc biệt, nghệ sĩ có thể làm chủ các quy trình, kỹ thuật… để tự mình tạo tác nên các thành phẩm ưng ý nhất cho các tác phẩm của mình. Khả năng tiếp theo là “Giấy – Tác phẩm tự thân”, xuất phát từ concept làm cho giấy có khả năng trở thành tác phẩm tự thân, việc có thể sáng tác ngay trong quá trình chế tác giấy bằng việc sử dụng kết hợp các loại nguyên liệu xơ sợi khác nhau, các quy trình, kỹ thuật… các tác phẩm nghệ – thuật – giấy được hoàn chỉnh ngay trên khung mà không cần thêm bất kỳ một tác động nào khác, ngoại trừ việc tương tác với ánh sáng. Tùy theo điều kiện ánh sáng thuận, nghịch mà tác phẩm Trúc Chỉ có các hiệu ứng âm dương khác nhau. Và cuối cùng là khả năng “Giấy – Đối thoại”, các tấm Trúc Chỉ hoàn toàn có thể làm một “đối thoại” với các tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó. Nghĩa là ngay khi chế tác tấm Trúc Chỉ, nghệ sĩ đã có những tính toán để hình ảnh được tạo trên tấm Trúc Chỉ sẵn sàng đón đợi và hòa nhập với những phần của các thao tác: in ấn, viết, vẽ…tiếp lên nó tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh và duy nhất. Tức là tấm Trúc Chỉ đó chỉ được tạo ra chỉ để dành riêng và chỉ riêng cho bản in, bản vẽ…duy nhất đó mà thôi. Đây là khả năng thứ 2 gây hứng thú rất lớn cho người thực hành và là sự đảm bảo cho tính độc đáo của tác phẩm. Như vậy vai trò của Trúc Chỉ trong thực hành nghệ thuật là hoàn toàn độc lập, đảm bảo tính độc đáo cũng như phong phú về sức biểu hiện tạo hình, thị giác tự thân của các nguyên liệu xơ sợi, sẵn sàng tương tác với các điều kiện khác: không gian, ánh sáng, môi trường, địa hình… để biểu đạt được tinh thần của nghệ sĩ.
Phóng viên: Đặc tính của giấy Trúc Chỉ gồm những gì? Loại giấy này có những khác biệt gì so với các loại giấy khác?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: “Giấy” Trúc Chỉ có đặc tính là nghệ sĩ thực hành có thể chủ động cá nhân hóa, độc đáo hóa và có khả năng tự biểu đạt cũng như tương tác một cách uyển chuyển với các thao tác, tín hiệu thị giác, tạo hình cũng như các điều kiện, yếu tố khác của tự nhiên, khách thể… để có thể thỏa mãn đến mức cao nhất của ý đồ sáng tạo của nghệ sĩ. Đây chính là một trong những điều làm nên sự khác biệt so với các loại giấy khác, bởi vì người thực hành phải học cách nắm bắt các đặc tính của các loại giấy đó để có thể khai thác và áp dụng cho các tác phẩm của mình.

Tác phẩm Giấc mơ hoa (Ảnh: Quỳnh Chi)
Phóng viên: Hiện tại họa sĩ có hài lòng với chất lượng giấy Trúc Chỉ hiện nay?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Tất cả các tác phẩm, thành phẩm đã hoàn thành, chính là sự hài lòng của thời điểm đó. Nhưng hoàn toàn không bao giờ sự hài lòng đó được dành cho những tác phẩm, dự án kế tiếp, bởi đó sẽ chính là tự kết liễu của mọi sáng tạo.
Phóng viên: Khi thực nghiệm trên giấy Trúc chỉ, họa sĩ có trải qua những khó khăn gì?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Mục đích chính của Trúc Chỉ là xây dựng một giá trị văn hóa, nghệ thuật trên cơ sở tiếp biến từ các giá trị truyền thống, kết hợp với kỹ thuật, phương tiện, tinh thần sáng tạo, cập nhật đương đại… để tạo dựng một giá trị mới với ba hiệu ứng: Thẩm mỹ, Giáo dục, và Xã hội. Do vậy ngoài khó khăn về thử nghiệm, xử lý nguyên liệu, phương tiện, nhân lực… khó khăn lớn nhất là phải đối mặt là sự dửng dưng và dè bỉu! Với tâm lý phổ biến: ngóng vọng về một giá trị nào đó khác ngoài mình mà quên đi hoặc xem nhẹ những giá trị đã có trong tay. Từ đó hình thành cách ứng xử với những gì mới: hoặc là dửng dưng, coi như không phải việc của mình, hoặc là dùng những gì đã biết để đo đếm, so sánh theo chiều hướng tiêu cực.
Phóng viên: Quá trình nghiên cứu, thực nghiệm cùng Trúc Chỉ, họa sĩ đã tìm được những thú vị gì từ chất liệu tre trúc Việt?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Mỗi loại nguyên liệu, cách xử lý nguyên liệu sẽ mang lại các biểu hiện xơ sợi, màu sắc cũng như các đặc tính khác nhau.Với Tre trúc cũng vậy, nguyên liệu non sẽ cho xơ sợi có độ mềm mịn tốt hơn, nguyên liệu già sẽ cho xơ sợi có độ thô, dai. Phần ngọn sẽ cho xơ sợi mềm và sáng hơn phần gốc, phần thân trong sẽ cho xơ sợi tinh hơn phần vỏ, ngược lại vỏ sẽ cho xơ sợi biểu hiện cứng cáp, mạnh mẽ. Việc xử lý xơ sợi bằng cách dùng máy nghiền sẽ mang lại sự đều, mịn; việc đập bằng tay sẽ cho sự phong phú của biểu hiện xơ sợi… các biểu hiện này sẽ được khai thác tùy theo ý tưởng, mục đích…của nghệ sĩ cho các tác phẩm của họ.
Phóng viên: Họa sĩ có thể nói về tính ứng dụng của giấy Trúc Chỉ trong sáng tác nghệ thuật và cả trong chế tác những sản phẩm thủ công mỹ nghệ?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Sự thật thì vẫn luôn tồn tại một “khoảng cách” nhất định giữa nghệ thuật Tạo hình và nghệ thuật Ứng dụng do quan niệm chưa đủ và đúng. Tuy nhiên ở Trúc Chỉ, “khoảng cách” này được kéo gần lại, một đôi khi xóa nhòa luôn nó. Ở Trúc Chỉ – tạo hình, các nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo về biểu hiện thị giác của cấu trúc, đặc tính và khả năng biểu đạt của các loại xơ sợi cũng như khả năng tương tác với các yếu tố khác: ánh sáng, không gian, môi trường… sẽ được tiến hành cho sự thỏa mãn các ý tưởng sáng tạo của nghệ sĩ. Sau đó, Trúc Chỉ – ứng dụng sẽ khai thác, áp dụng các hiệu quả đó cho các thiết kế của mình, từ đó các nghệ phẩm Trúc Chỉ sẽ được mang hiệu ứng thị giác một cách thẩm mỹ, độc đáo và luôn luôn mới. Bên cạnh đó, các yêu cầu, đòi hỏi của Trúc Chỉ – ứng dụng trong các thiết kế mới buộc Trúc Chỉ – tạo hình phải nỗ lực tìm tòi ra nhiều phương thức biểu đạt mới cho tự thân xơ sợi cũng như các kết cấu của chúng… Việc này diễn ra một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên và đặc biệt là mang lại cho người thực hành sự chủ động rất lớn. Ví dụ, nghệ sỹ hoàn toàn có thể chủ động tạo ra hình ảnh, hoa văn riêng cho thiết kế của mình kiểu “đo ni đóng giày”, điều này hoàn toàn đảm bảo cho thiết kế đó hoàn toàn độc đáo và lên hết được ý tưởng của người thiết kế, mà không còn phải phụ thuộc vào các nguyên liệu, chất liệu phụ trợ khác.

Vạn hoa quy tâm và các tác phẩm Trúc Chỉ khác được trưng bày tại Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm (Ảnh: Quỳnh Chi)
Phóng viên: Giá trị thực của giấy Trúc Chỉ, theo họa sĩ là nằm ở khía cạnh nào?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Giá trị thực của Trúc Chỉ là với các khả năng của nó, hoàn toàn có thể là một nghệ thuật độc lập, hoàn toàn sẵn sàng hội nhập với bối cảnh đương đại mà vẫn mang hơi thở của các giá trị truyền thống, như cách mà việc tạo ra giá trị mới vốn phải thế.
Phóng viên: Qua tìm hiểu thì phóng viên thấy Trúc Chỉ đã đóng góp những giá trị to lớn cho nền di sản nước nhà trên nhiều phương diện như về giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế, vậy thì theo họa sĩ ở thời điểm hiện tại và tương lai Trúc Chỉ đang và sẽ có những đóng góp như thế nào cho nền di sản văn hóa Việt Nam?
Họa sĩ Phan Hải Bằng: Trúc Chỉ được xây dựng với ý thức rất rõ: xây dựng một giá trị mới cho Huế nói riêng và Việt nam nói chung bằng cách dựa trên nền tảng của nghề giấy truyền thống, kết hợp với các ý niệm, ý tưởng, quy trình mới, khác… với 3 tiêu chí cũng là hiệu ứng lớn: Thẩm mỹ, Giáo dục, Xã hội được đặt ra như định hướng chủ đạo. Với thẩm mỹ, ngoài việc mọi biểu hiện của Trúc Chỉ phải đẹp ra, hiệu ứng thẩm mỹ còn được thể hiện qua cách ứng xử đúng, đẹp với các giá trị truyền thống, tri thức nhân loại, với nghệ thuật, với bối cảnh đương đại, với thiên nhiên, với con người, với lịch sử, xã hội. Với giáo dục, tiêu chí này được thể hiện ở 2 phần: giáo dục tự thân và giáo dục cộng đồng. Đối với giáo dục tự thân: tự Trúc Chỉ và những người làm Trúc Chỉ phải luôn tự ý thức công việc đang làm là xây dựng một giá trị mới chứ không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một loại giấy, nguyên liệu mới. Bên cạnh đó phải luôn học hỏi, trau dồi vốn thẩm mỹ, văn hóa, kỹ năng… học hỏi từ di sản truyền thống, từ công nghệ hiện đại, từ môi trường nghệ thuật xung quanh…, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và tạo dấu ấn riêng… bằng cách tìm hiểu, điền dã từ các làng nghề truyền thống cho đến hệ thống bảo tàng, di tích, tư liệu cổ, các triển lãm, các cuộc thi… Còn đối với giáo dục cộng đồng: sau khi tự giáo dục, Trúc Chỉ mới có thể làm cho mọi người hiểu về Trúc Chỉ, về sứ mạng mà Trúc Chỉ theo đuổi trong việc tạo dựng một giá trị mới trên nền tảng truyền thống. Các hoạt động được tiến hành như các workshop, triển lãm, dự án, talkshow, giới thiệu… một cách có hệ thống và đồng bộ. Các workshop Trúc Chỉ được tổ chức ở các trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật, ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, TP HCM… các workshop cho nghệ sỹ và sinh viên nghệ thuật, kiến trúc… các dự án workshop cho người tự kỷ, khuyết tật; đặc biệt là dự án workshop “Trúc Chỉ – ngày thứ nhất” được tổ chức hằng năm dành cho trẻ em tại Huế vào mỗi mùa hè. Các dự án, triển lãm được Trúc Chỉ tổ chức, tham gia tại trong và ngoài nước, các địa điểm như Đại nội, Kinh thành Huế, Viện Goethe Hà nội, Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm, Bảo tàng Cung đình Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Nhà Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Hà Nội; Lyon Pháp; Berlin, Đức; R.I. USA; Bienale Nghệ thuật giấy quốc tế Thượng Hải, TQ; Thái Lan, Lào… Cuối cùng là với xã hội, khi các tiêu chí Thẩm mỹ, Giáo dục được đáp ứng, hiệu ứng Xã hội sẽ là một giá trị mới được hình thành. Nếu thiếu đi một trong hai, hoặc cả hai tiêu chí đó, hiệu ứng mang lại sẽ là một phiên bản lỗi. Với định hướng thích hợp của mình, sau thời gian trên dưới 10 năm xây dựng, Trúc Chỉ đã có được một hiệu ứng Xã hội khá tốt, đã bắt đầu gầy dựng được khái niệm Nghệ – thuật – giấy trong đời sống nghệ thuật cũng như đời sống xã hội. Các tác phẩm, các thiết kế Trúc Chỉ đã nhận được nhiều giải thưởng địa phương, quốc gia, quốc tế; đã đi vào đời sống như một giá trị hiển nhiên và được trân trọng. Trúc Chỉ đã có mặt từ các không gian sống hằng ngày cho đến các không gian tâm linh, linh thiêng, các không gian của chính quyền, các không gian nghệ thuật… Ở Huế, Trúc Chỉ đã đảm nhiệm tạo ấn tượng thị giác tại các chùa lớn như chùa Từ Đàm, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Chùa Huyền Không, chùa Pháp Luân, đặc biệt là chùa Huyền Không Sơn thượng với đa phần nội thất chánh điện và các không gian trang trọng đều có sự góp mặt của Trúc Chỉ. Bên cạnh đó Trúc Chỉ góp phần tạo nên sự trang trọng cho không gian tiếp khách Quốc tế của UBND tỉnh Thừa thiên Huế, Tỉnh Ủy TT Huế… đặc biệt thường xuyên được làm quà tặng cho chính khách quốc tế cũng như các chính khách Việt của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trúc Chỉ cũng đã được lưu giữ tại Nhà Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, các sưu tập trong và ngoài nước. Trong một trả lời phỏng vấn trước đây khá lâu, chúng tôi có đại ý rằng trong một tương lai không xa, khi nhắc đến Huế, ngoài những bánh bèo, bánh lọc, mè xửng, sông Hương, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên… người ta sẽ biết còn có thêm cả Trúc Chỉ; khi nhắc đến Việt Nam, ngoài giấy Dó với thành tựu lừng lẫy trên dưới ngàn năm, sẽ có thêm Trúc Chỉ! Bằng cách kết nối chặt chẽ và ứng xử đẹp, đúng với truyền thống; không ngừng sáng tạo và mở rộng tư duy, sẵn sàng đón nhận những giá trị không chỉ của truyền thống dân tộc mà còn của cả truyền thống nhân loại, sẵn sàng đón nhận những giá trị hiện thời, kết hợp, ứng biến một cách sáng tạo với Nghệ thuật tính, giá trị mới sẽ được hình thành (điều này đã được kiểm chứng với sơn mài). Việc giữ gìn và phát triển nó còn tùy thuộc vào việc tiếp tục duy trì và phát triển 3 tiêu chí Thẩm Mỹ, Giáo dục, Xã hội ở mức sâu rộng. Trong công việc này dĩ nhiên không thể thiếu được sự thông hiểu, đồng điệu, đồng lòng của cả cộng đồng, xã hội, học giả, nhân sỹ trí thức, nghệ sỹ… đặc biệt là những người trẻ với năng lượng còn rất khỏe, không ngại khó, luôn chấp nhận thử thách, không bỏ cuộc… chính họ sẽ là những người mang mọi giá trị đi vào lòng di sản trong tương lai. Trúc Chỉ hy vọng cũng sẽ là một trong số đó.
Phóng viên: Xin cảm ơn họa sĩ.